Thông báo
08:55 19/09/2024
Mô hình BIM (Building Information Modeling) là một công nghệ đặc biệt để nâng cao chất lượng quản lý thông tin, thiết kế, xây dựng và quản lý toàn bộ chu trình của một công trình xây dựng, đặc biệt là đường cao tốc.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 423/TB -VPCN thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc: Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Đối với kiến nghị của các nhà đầu tư xin áp dụng mô hình BIM cho 2 đoạn tuyến cao tốc nói trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng.
Đây là mô hình quản lý tiên tiến nhất, quản lý chất lượng, công nghệ, số hóa quản lý thực tế tại hiện trường cần được áp dụng đối với các dự án đường theo đúng lộ trình.
Đối với 2 dự án cao tốc do UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm rà soát tổ chức hướng dẫn địa phương để thực hiện theo quy định.
Liên quan đến công tác triển khai đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Phó thủ tướng cho biết Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Phó thủ tướng giao tỉnh Lâm Đồng sớm thống nhất và có ý kiến bằng văn bản khẳng định đối với nội dung như phương án đề xuất tại cuộc họp (không điều chỉnh tăng vốn Nhà nước tham gia Dự án, không đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu) và việc điều chỉnh các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi không dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật PPP).
UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương gửi văn bản giải trình, hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 23/9/2024 để tổ chức thẩm định; Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo quy định của Luật PPP trước ngày 30/9/2024.
Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP (đồng thời gửi Bộ Tài chính) trước ngày 20/9/2024.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng để đề xuất phương án giải quyết kịp thời, khả thi đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo nguyên tắc thẩm quyền của Chính phủ đến đâu, xử lý ngay đến đó), bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan nhằm đảm bảo phù hợp với Luật PPP để sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án theo phương thức PPP báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trước ngày 30/9/2024.
Đối với tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Phó thủ tướng nhấn mạnh Dự án này thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án bảo đảm không quá 50% theo quy định của Luật PPP.
Phó thủ tướng lưu ý, việc triển khai đoạn các dự án thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cần bảo đảm đồng bộ, công bằng. Do vậy, cần nghiên cứu xem xét cơ chế chính sách tương đồng giữa Dự án Bảo Lộc - Liên Khương và Dự án Tân Phú - Bảo Lộc để nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các dự án.
Được biết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có vị trí, vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là hệ thống cảng biển Đông Nam Bộ và các trung tâm kinh tế - xã hội, công nghiệp.
Hiện nay, các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương do UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hiện nay 2 dự án này đang có một số vướng mắc, chưa phê duyệt được, ảnh hưởng đến tiến độ khởi công của các dự án, trong khi Dự án đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền đã hoàn thành phê duyệt dự án cuối tháng 7/2024.
Các tin khác