Thông báo
04:29 24/10/2024
Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến tổ chức hoạt động thu phí, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
Nghị định quy định rõ điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Theo đó, đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm:
Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây: Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; Có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. (Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 1).
Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. (Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 2).
Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang
5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc
Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;
Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;
Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;
Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet;
Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km
Theo Nghị định, phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).
Mức phí sử dụng đường cao tốc từ 10/10/2024 được quy định như sau:
Trong đó:
- Mức 1 là mức phí áp dụng đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc (quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 130/2024/NĐ-CP);
- Mức 2 là mức phí áp dụng đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc (quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 130/2024/NĐ-CP);
- “Tải trọng” của từng phương tiện theo từng nhóm nêu trên là khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi tại Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đăng kiểm). Trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng kiểm không có giá trị khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông thì sử dụng giá trị khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế. Số chỗ tương ứng với số lượng người cho phép chuyên chở;
- Trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng kiểm của phương tiện không có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông và giá trị khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế, “tải trọng” được hiểu là khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của phương tiện ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm và áp dụng mức thu của nhóm xe có “tải trọng” tương ứng theo từng nhóm. Trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng kiểm không có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông thì sử dụng giá trị khối lượng toàn bộ theo thiết kế;
- Đối với xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, “tải trọng” được hiểu là khối lượng bản thân của phương tiện ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm và áp dụng mức thu của nhóm xe có “tải trọng” tương ứng;
- Mức thu đối với ô tô đầu kéo không kéo theo sơmi rơ mooc, rơ mooc áp dụng mức thu tương ứng Nhóm 3;
- Mức thu đối với xe chở hàng sử dụng một đầu kéo kéo theo một sơ mi rơ mooc hoặc một rơ mooc áp dụng mức thu theo “tải trọng” của phương tiện được kéo theo;
- Mức thu tổ hợp xe được cấp giấy phép lưu hành đặc biệt áp dụng mức thu riêng biệt đối với từng phương tiện thành phần;
Nội dung Nghị định này cũng quy định về việc không thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc đối với xe được cứu hộ.
Nghị định 130/2024/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/10/2024.
(Nguyễn Văn Tâm - Chuyên viên Văn phòng Sở)
Sở Giao thông vận tải An Giang
Các tin khác