Thông báo
04:59 13/10/2020
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư dự án Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê nhằm đáp ứng một số tiêu chí trong việc xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận Văn hoá Óc Eo là di sản văn hoá Thế giới.
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012
Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là một trong những di tích nổi bật của tỉnh An Giang, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, đây là khu di tích rộng lớn, được phát hiện và công bố năm 1942, minh chứng cho sự tồn tại nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa hình thành và phát triển trong khoảng 10 thế kỷ đầu sau công nguyên.
Khu di tích nơi duy nhất có đầy đủ các giai đoạn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long, một di sản quý, một phần quan trọng trong khối di sản văn hóa của dân tộc.
Từ khi được phát hiện đến nay, nhiều di tích ở khu vực này đã được khai quật, như: Giồng Cát, Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Gò Út Trạnh, Nam Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, Gò Sáu Thuận, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh…
Di tích Óc Eo – Ba Thê có nhiều giá trị to lớn, tiêu biểu là giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa đầu thiên niên kỷ I AD; giá trị lịch sử quan trọng trong việc xác lập lịch sử vùng đất Nam Bộ; giá trị văn hóa lưu giữ dấu tích văn hóa bản địa lâu đời và giá trị khảo cổ, minh chứng cho sự tồn tại của nền văn hóa Óc Eo, một đô thị - cảng thị giữ vai trò chủ đạo ở Nam Bộ.
Với những giá trị nêu trên, khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật văn hóa Óc Eo - Ba Thê được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Do đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho khu là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự án Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, quy mô xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm:
Tuyến 1: từ Cầu Thoại Giang đến ranh huyện Tri Tôn (đoạn TL943 đi ngang thị trấn Óc Eo), dài 16 Km; Tuyến 2: đường Vành đai núi Ba Thê, dài 5 km; Tuyến 3: từ UBND thị trấn Óc Eo đến cầu Thoại Giang 3, dài 9km
Xây dựng thay thế các cầu thép hiện hữu trên TL 943 vào huyện, đến thị trấn Óc Eo (cầu Kênh H, cầu đôi Kênh G, cầu đôi Kênh F).
Nâng cấp, cải tạo đường dọc kênh Thổ Mô, dài 2km; Xây dựng tuyến đường từ Lung Lớn đi kênh Thổ Mô, các tuyến đường tại cụm công trình phát huy giá trị di tích trong khu vực bảo vệ II của khu B; tuyến đường tiếp giáp khu vực bãi đỗ xe, khu dịch vụ tại khu vực bảo vệ II của khu A, dài 5km
Cải tạo giao thông nội khu di tích, dài 8km; Xây dựng bãi đỗ xe (2 bãi), xây dựng bến thuyền du lịch (2 bến).
Việc đầu tư các công trình hạ tầng cho khu di tích là hết sức cấp thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư dự án ./.
Các tin khác