Thông báo
10:49 06/09/2024
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 19h tối 5-9, siêu bão Yagi đang cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 365km về phía đông. Cường độ bão vẫn đang mạnh cấp 16 (184 - 201km/h), giật trên cấp 17. Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão Yagi là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại.
Ảnh mây vệ tinh siêu bão Yagi
Thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Công văn số 1212/UBND-KTN ngày 05 tháng 9 năm 2024 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo công tác phòng chống mưa, dông lốc, lũ, sạt lở do ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông vận tải chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (trên sông, đường bộ) khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt theo phân cấp.
Giao Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; cử người trực chốt, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí nước ngập sâu, sạt lở đất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và đảm bảo chế độ trực ban, báo cáo đúng quy định. Chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cự hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do bão, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm. Xây dựng và tổ chức phương án đảm bảo giao thông khi có các tình huống thiên tai gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa lũ trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn quản lý.
Giao Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp Ban bảo trì đường bộ kiểm tra kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình xung yếu: bến phà, cầu phao, công trình neo đậu phà, ca nô, phao, ngầm, tràn, vị trí nguy cơ ngập, sạt lở đất, đá; Xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các lực lượng khác ở địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do bão gây ra cho công trình xây dựng.
Đồng thời Sở Giao thông vận tải An Giang đã có công văn triển khai đến Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Công ty Cổ phần ĐT&XD CTGT 73; Công ty Cổ phần Phà An Giang trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp cùng các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở GTVT và các cơ quan chức năng có liên quan chủ động thực hiện một số nội dung sau:
a) Đối với cầu cần chú ý kiểm tra kỹ móng, thân mố, trụ cầu, tình trạng dòng chảy, các công trình kè, tường chắn và đường đầu cầu. Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, gia cố các hư hỏng, bảo đảm an toàn mới cho khai thác, sử dụng. Trường hợp cần thiết cắm biển báo hiệu hạn chế tải trọng, khổ giới hạn, tốc độ qua cầu.
b) Đối với phần đường, cần kiểm tra những điểm có nguy cơ sạt lở taluy dương dẫn đến nguy cơ vùi lấp người, phương tiện giao thông, sạt lở taluy âm dẫn đến mất ATGT và nguy hiểm cho người tham gia giao thông và khi phát hiện các trường hợp này cần có biện pháp cảnh báo, nhất là các vị trí có nguy cơ cao gây sạt lở; kiểm tra các vị trí đường bộ có nguy cơ ngập lụt do mưa lũ, cắm biển thông báo tình hình ngập lụt.
Kiểm tra hệ thống báo hiệu đường bộ, sửa chữa báo hiệu hư hỏng, mất tác dụng, kiểm tra rà soát cần thiết bổ sung báo hiệu tại các vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, lún sụt nền móng công trình, vị trí đường trơn trượt để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết, tăng cường ATGT.
Các trường hợp không bảo đảm an toàn phải tổ chức cảnh báo, phân luồng giao thông, điều chỉnh tốc độ khai thác đoạn tuyến không bảo đảm an toàn. Trường hợp cần thiết phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng thông báo và quyết định tạm dừng giao thông qua các vị trí nguy hiểm không bảo đảm an toàn.
c) Đối với cống, rãnh: Kiểm tra, khắc phục tình trạng thoát nước kém do tắc…; kiểm tra hư hỏng của cống, rãnh và khắc phục kịp thời.
d) Đối với bến phà, cầu phao kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, khôi phục bảo đảm các phà, cầu phao hoạt động bình thường; hệ thống báo hiệu, áo phao và phao cứu sinh, trang thiết bị cứu sinh, xuồng, ca nô và các bộ phận, thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ tính năng về an toàn; kiểm tra các công trình móng bến phà, trụ, mố cầu phao tương tự kiểm tra cầu; kiểm tra rà soát quy trình, quy định vận hành khai thác bến phà, cầu phao để điều chỉnh, bổ sung nếu cần cho công tác an toàn. Trường hợp không bảo đảm an toàn phải dừng khai thác cho đến khi khắc phục xong. Sau khi khắc phục xong cần kiểm tra, vận hành thử an toàn mới khai thác sử dụng chính thức. Dừng khai thác bến phà, cầu phao trong trường hợp gió bão, vận tốc dòng chảy và mức nước trên sông vượt quá quy định khai thác an toàn.
2. Triển khai thưc hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia cứu nạn, cứu hộ, trọng tâm là các công việc sau:
a) Về công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai:
- Duy trì nghiêm túc chế độ trực 24/24h; công bố số điện thoại trực đường dây nóng về phòng chống thiên tai và đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống;
- Tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, tuần đường; thực hiện việc kiểm tra, khắc phục khi có sự cố.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết đối với kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án bảo đảm giao thông phù hợp với điều kiện thực tế và các phát sinh trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai; điều chỉnh, bổ sung nhân lực, vật tư, thiết bị, nguồn lực cần thiết;
- Triển khai các công việc cần thiết khác.
b) Về khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cần lưu ý triển khai làm tốt các công tác sau:
- Các đơn vị nêu trên kịp thời, chủ động triển khai khắc phục, sau khi khắc phục xong, khẩn trương lập hồ sơ hoàn thành công tác khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc giao thông trình cơ quan có thẩm quyền, thẩm định phê duyệt. Đồng thời tích cực tham gia công các cứu nạn, cứu hộ nếu xảy ra các trường hợp này;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; thông báo đến chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, pháp luật về xây dựng và quy định của Bộ GTVT;
Sở Giao thông vận tải An Giang đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện./.
(Tin bài: Nguyễn Văn Tâm - Chuyên viên Văn phòng Sở
Sở Giao thông vận tải An Giang
Các tin khác